Những ngày giáp Tết, trên đoạn kênh trải dài hàng cây số từ P.13 qua P.14 (Q.8, TP.HCM), ghe, thuyền đậu san sát, biến dòng kênh thành dòng sông hoa kiểng, với đủ loại sắc hương. Theo những người lớn tuổi sinh sống khu vực Bến Bình Đông, Bến Bình Đông từng là nơi giao thương tấp nập một thuở, trao đổi hàng hóa giữa Sài Gòn với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Và không biết từ bao giờ, nơi đây đã lưu giữ nét văn hóa là bến thuyền hoa ngày Tết cho đến tận bây giờ.

Những chủ nhà vườn và các thương lái đến từ miền Tây, trong đó có người đã gắn bó với chiếc ghe thương hồ từ hàng chục năm qua kể, hồi trước dân thương hồ họp chợ ở hai bờ kênh Tàu Hủ. Bờ phía đường Võ Văn Kiệt bây giờ dành cho người bán tắc kiểng, trái cây. Phía bờ Bình Đông cỏ cây mọc đầy, chưa có đèn đường như bây giờ thì là nơi của người bán hoa kiểng các loại.

Theo nhà văn Sơn Nam, bến Bình Đông kéo dài từ cầu Chà Và tới gần đình Bình An. Hiện nay, Bến Bình Đông bắt đầu từ cầu Nguyễn Tri Phương tới nơi giao nhau giữa rạch Lò Gốm và kinh Tàu Hũ, phường 11 đến giáp phường 16, quận 8, TP.HCM.

Từ ngày 20 tháng Chạp, nhiều ghe chở hoa kiểng từ Bến Tre, Đồng Tháp,… với đủ chủng loại như: quất, mai, hoa thọ, hoa giấy,… vừa cập bến chưa kịp bày hàng đã có khách mua tận ghe.

Có những thương hồ, chiếc ghe này ngày thường cũng chính là ngôi nhà, họ sinh sống luôn trên ghe. Nhưng cũng có những chiếc ghe, bình thường dùng để chuyên chở dừa, lúa, cá, phân bón, …nhưng tới mùa hoa tết, lại tìm về các làng hoa để chở thuê.

Trải qua nhiều biến động của thời gian, chợ hoa Bến Bình Đông vẫn được lưu giữ, trở thành nét duyên dáng rất riêng giữa một đô thị đang chuyển mình mạnh mẽ. Từ những chiếc ghe chở đầy hoa trái ngược xuôi neo đậu giữa lòng một thành phố hoa lệ với những ánh đèn neon, những tòa nhà cao ốc chọc trời, một hình ảnh truyền thống, phảng phất linh hồn xưa cũ trong nếp sống của Việt lại hiện về trọn vẹn.

Nếu ngược về dòng lịch sử, Bến Bình Đông là khu vực quan trọng của Chợ Lớn, được hình thành từ khi người Hoa từ Cù Lao Phố (Biên Hòa - Đồng Nai) di cư đến Sài Gòn vào khoảng cuối thế kỷ 18. Bến Bình Đông xưa bao gồm phố Trần Văn Kiểu (Q.6) và Bến Bình Đông (Q.8) ngày nay, men theo kênh Bến Nghé -Tàu Hủ.

Thuyền ghe ngược xuôi tấp nập đặt san sát trên bến thuyền, nhộn nhịp cả một khúc sông, chứa đựng không khí háo hức của ngày Tết. Trên bờ là hàng loạt cây cảnh tuyệt đẹp được chào bán.

Tại đây, nhiều cây mai vườn được vô chậu với đủ loại bon sai , có cây hàng chục năm được đem bán tại đây. Anh Nguyễn Minh Tiến ở Bến Tre cho biết năm nào cũng trở 2 ghe với hơn 500 chậu mai lên đây bán Tết. Tùy từng độ tuổi và thế cây sẽ có giá khác nhau, giá mai bon sai nhỏ giao động từ 300.000 -700.000 đồng/chậu. cây lớn có giá từ 3- 7 triệu đồng/chậu. Cây lớn hàng chục năm có giá 15 -20 triệu/đồng.

Tuyến đường Bến Bình Đông – Quận 8, nhiều loại cây kiểng cũng được tập kết về đây. Giá hoa bán ở đây như hoa cúc mâm xôi từ 160.000- 180.000 đồng/chậu, cúc vạn thọ 220.000đồng/cặp, hoa giấy 250.000 đồng/chậu.

Theo lịch sử ghi chép, đây là trung tâm vựa lúa lớn ở miền Nam có sự kết nối giữa lục tỉnh Nam Kỳ trước đây. Con kênh Tàu Hủ thuộc rạch Chợ Lớn vẫn là một tuyến giao thông đường thủy thuận lợi để vận chuyển hàng hóa kinh tế nông nghiệp từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn dù bây giờ bị thu hẹp hơn. Cho đến nay, chợ hoa Bến Bình Đông ở TP.HCM mà người dân địa phương vẫn quen gọi là chợ hoa “trên bến dưới thuyền” đã có tuổi đời ngang bằng lịch sử hình thành trung tâm Sài Gòn – Gia Định.

Chợ Lớn nhìn từ trên cao

Với đặc trưng sông nước khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long lên đến TP HCM, hình thức vận chuyển của những nhà vườn hay thương lái này là bằng ghe thuyền lớn. Phải mất khoảng 2 ngày, những chiếc ghe chở theo mùa xuân mới cập được bến Bình Đông.

Chợ hoa Tết tại bến Bình Đông nhộn nhịp nhất vào buổi chiều tối, tranh thủ giờ tan tầm, nhiều người đổ về đây ngắm và chọn mua hoa Tết, cây kiểng về trưng trong nhà. Chị Trang, một thương lái đến từ Cần Thơ cho biết: “Chợ hoa mở mở từ 23 Tết, đến giờ vẫn chưa phải cao điểm, nhưng đi thời điểm này thì khách có thể vừa ngắm hoa, vừa chụp ảnh và chọn lựa thoải mái. Đến độ 28 - 29 Tết sẽ là lúc nhộn nhịp và đông khách nhất”.