Chiều 02/4/2025, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị kinh tế - xã hội Thành phố quý I; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II năm 2025. Chủ trì Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Dương Ngọc Hải.

I. Hoạt động chỉ đạo điều hành
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố được quán triệt, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ngay từ đầu năm.
2. Các hoạt động chăm lo Tết thực hiện tốt theo đúng phương châm “Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm” và “Tết tri ân - trọn vẹn - nghĩa tình”.
3. Ban hành Quyết định số 645/QĐ-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2025 về việc phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện.
4. Tổ chức Hội nghị Công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam và Công bố Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức xúc tiến mời gọi đầu tư và công bố đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040. Thành lập Tổ Công tác rà soát, phân nhóm xử lý các khu vực, dự án có vướng mắc phục vụ lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh; chuẩn bị triển khai công tác đấu giá các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổ chức Lễ khánh thành tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; khởi công dự án Xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn và Phê duyệt kết quả “Thi tuyển quốc tế Ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa”.
5. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
6. Ban hành Kế hoạch số 961/KH-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2025 thực hiện Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn Thành phố năm 2025, phấn đấu trên 620 nghìn tỷ; làm tiền đề huy động giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 5 triệu tỷ; Kế hoạch số 1451/KH-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2025 về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của Thành phố; Quyết định số 1451/KH-UBND ngày 26 tháng 3 năm 2025 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
7. Ban hành Kế hoạch số 1814/KH-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2025 về sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2025, chỉ đạo các đơn vị giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí kinh doanh, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Ban hành Kế hoạch triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025.
II. Kết quả thực hiện chủ đề năm
Triển khai thực hiện Chủ đề năm 2025, UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 929/KH-UBND về Thực hiện Chủ đề năm 2025: “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của Thành phố”. Theo đó, Thành phố triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Về tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”
Thành phố tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; trong đó có yêu cầu: “Xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã”; UBND Thành phố sắp xếp lại tổ chức bộ máy tại quận, huyện, phường, xã theo định hướng chỉ đạo của Trung ương.
Thành phố ban hành 14 Quyết định ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố; Quyết định về: chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin mạng từ Sở Thông tin và Truyền thông, chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Sở Giao thông vận tải sang Công an Thành phố quản lý; chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, các cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển giao các cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố sang Công an các tỉnh, thành phố quản lý.
2. Về đẩy mạnh chuyển đổi số
Về triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố: Phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức nghiên cứu phương án triển khai Dịch vụ tư vấn trả phí (RAS) trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Thành phố và tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu áp dụng Dịch vụ tư vấn trả phí (RAS) trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Thành phố” vào ngày 07 tháng 3 năm 2025.
Về làm giàu Kho dữ liệu điện tử của người dân, tổ chức, tiếp tục thực hiện kế hoạch số hóa và lưu trữ tài liệu điện tử cơ quan trên nền tảng số thống nhất gắn với Kho dữ liệu điện tử của Người dân nhằm hướng đến việc sử dụng lại dữ liệu, người dân không cần nộp giấy tờ có trong kho. Tiếp tục tích hợp, chia sẻ đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tập trung do bộ, ngành quản lý với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết Thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Chính quyền số: Đảm bảo vận hành thông suốt các ứng dụng công nghệ thông tin khi tổ chức thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Triển khai các nội dung: sửa đổi, ban hành mã định danh của cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ; điều chỉnh hoặc nâng cấp Hệ thống bảo đảm tính kế thừa về thông tin, dữ liệu, an toàn, an ninh và việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính liên tục, thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn; điều chỉnh Mã số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo bộ mã của cơ quan, đơn vị mới; cập nhật các danh mục dữ liệu dùng chung của Cổng Dịch vụ công quốc gia và trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố.
Về bảo đảm an toàn, an ninh mạng: Thường xuyên kiểm tra đánh giá công tác đảm bảo an toàn thông tin tại các đơn vị trên địa bàn Thành phố nhằm kịp thời phát hiện xử lý và ngăn chặn các sự cố về đảm bảo an toàn thông tin. Tiếp tục rà soát, phân loại, xác định, đề xuất phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Thực hiện công tác bàn giao chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng từ Sở Thông tin và Truyền thông về Công an Thành phố.
Phát triển khoa học và công nghệ: Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển kết hợp đầu tư cơ sở vật chất cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trong đó tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và một số doanh nghiệp lớn; chính sách cho Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; khu công nghệ thông tin tập trung, sàn giao dịch dữ liệu, sàn giao dịch sản phẩm khoa học công nghệ và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng danh mục đầu tư cho doanh nghiệp dẫn đầu về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ban hành các kế hoạch triển khai các hoạt động thúc đẩy Khoa học và Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Tiếp tục triển khai các hoạt động thúc đẩy hình thành các hệ sinh thái tại Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố thông qua các hoạt động kết nối, ươm tạo và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Các hoạt động xây dựng kinh tế số, xã hội số tiếp tục được củng cố và tăng cường. Hiện nay, đang thực hiện đưa vào vận hành 100% ứng dụng chữ ký số, số hóa trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong cơ quan nhà nước.
3. Về triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội
Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định 44 cơ chế đặc thù của Thành phố, bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Về cơ chế hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm năm 2025, Thành phố bố trí vốn đầu tư công 901 tỷ đồng triển khai cơ chế này.
Về cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm 13.104 tỷ đồng.
Về cơ chế dự toán chi ngân sách của UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cần thiết khác: đã bố trí dự toán năm 2024 với mức tối đa 4% là 688,6 tỷ đồng, năm 2025 với mức tối đa 4% là 773,249 tỷ đồng.
Về cơ chế sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng và hỗ trợ địa phương, nước khác.
Về cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay phát triển kinh tế - xã hội: nhằm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, HFIC đã thẩm định và đồng ý cho vay 08 dự án với tổng mức vốn vay 401,14 tỷ đồng. Đến nay đã có 04 dự án với tổng mức vốn vay 329,623 tỷ đồng được phê duyệt tham gia chính sách.
Về tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức: Thành phố Thủ Đức cơ bản hoàn thành nhiệm vụ triển khai cơ chế về phân cấp, ủy quyền, cơ chế về tổ chức, bộ máy, đã kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động ổn định, hiệu lực hiệu quả, hoàn thành 100%. Đã chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 12 dự án phát triển nhà ở với tổng số vốn đăng ký gần 33 nghìn tỷ đồng, đồng thời tháo gỡ nhiều vướng mắc quy hoạch của các dự án.
4. Tình hình giải quyết vướng mắc, khó khăn trên địa bàn Thành phố
Về hoạt động của Tổ Công tác đặc biệt rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án, khu đất trên địa bàn Thành phố: Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 7307/KH-UBND, trong đó xác định cụ thể tiêu chí rà soát, phân công trách nhiệm rà soát, lộ trình, kế hoạch rà soát và xử lý các Công trình, dự án tồn đọng đến hết năm 2025; thành lập Tổ Công tác 5324 giải quyết các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả để tập trung triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, Thành phố có 02 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết đối với 12 công trình, dự án tồn đọng, bao gồm: 09 dự án đầu tư (06 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 03 dự án đã có kiến nghị các Bộ giải quyết) và 03 tài sản công vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ.
Qua rà soát, Thành phố tổng hợp được danh mục 571 Công trình, dự án gồm: 265 dự án đầu tư chậm triển khai (Nhóm 1), 18 tài sản công tồn đọng (Nhóm 2), 31 công trình, dự án vướng mắc, tồn đọng của Doanh nghiệp nhà nước (Nhóm 3), 108 Công trình, dự án dừng, tạm dừng (Nhóm 4), 149 khu đất không sử dụng hoặc chậm sử dụng (Nhóm 5).
Thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn các dự án, phấn đấu trong năm 2025 sẽ giải quyết 100% các Công trình, dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố và 50% các Công trình, dự án có vướng mắc thuộc Cơ quan Trung ương.
Để đảm bảo sự thống nhất, xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Thành phố đã rà soát, kiện toàn lại các Tổ công tác, ban chỉ đạo và ban hành Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2025 về thành lập Tổ Công tác đặc biệt rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án, khu đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Về giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI
Trong Quý I, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết trả lời 72 câu hỏi của doanh nghiệp thông qua Hệ thống “Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố” và Tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Tổ chức 02 hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến các lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, lao động,… thu hút 480 lượt doanh nghiệp tham dự (348 doanh nghiệp trong nước và 132 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), giải đáp 94 câu hỏi của doanh nghiệp. Qua hoạt động đối thoại trực tiếp và trực tuyến, Thành phố chỉ đạo các sở, ngành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; trong đó đã giải quyết 166/166 vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp trong nước, đạt tỷ lệ 100%; tiếp nhận và phối hợp giải quyết 07 vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp nước ngoài.
Trong quý II, Thành phố sẽ tổ chức 02 Hội nghị gặp gỡ giữa Lãnh đạo Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu; Hội nghị gặp gỡ giữa chính quyền Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp nước Singapore nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu, Singapore.
Về giải quyết khó khăn, vường mắc doanh nghiệp tư nhân
Thành phố tiếp nhận 17 kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực: Hỗ trợ vốn, tín dụng; Thuế và Bảo hiểm xã hội; Cải cách thủ tục hành chính; Hạ tầng giao thông, Đất đai, quy hoạch; Xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư; Chuyển đổi số; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Chính sách liên quan đến tinh gọn bộ máy, thực thi Nghị quyết 98/2023/QH15. Các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã được các cơ quan, ban ngành tiếp thu, trả lời và phản hồi cho doanh nghiệp.
III. Tình hình kinh tế - xã hội quý I
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP)
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I ước đạt 458.211 tỷ đồng. Tính theo giá so sánh 2010 đạt 291.709 tỷ đồng, tăng trên 7,51% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó: Khu vực nông lâm thuỷ sản tăng khoảng 0,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 5,8%, trong đó công nghiệp tăng khoảng 5,7%, xây dựng tăng khoảng 7%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 8,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng khoảng 4,3%.
2. Lĩnh vực dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Quý I năm 2025 ước đạt 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,6%; dịch vụ lữ hành tăng 13,6%; dịch vụ khác tăng 14,8%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước Quý I năm 2025 ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 5,05% so năm 2024 (cùng kỳ tăng 18%). Tình hình xuất khẩu có xu hướng hồi phục, nhiều doanh nghiệp nhận đủ đơn hàng đến hết Quý II năm 2025.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 15% (cùng kỳ tăng 6,6%).
Du lịch: Tổng thu du lịch Quý I ước đạt 56.662 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2024; khách du lịch nội địa ước đạt 8.574.194 lượt tăng 6,3%; khách quốc tế ước đạt 1.635.620 lượt tăng 18,2%.
Dịch vụ vận tải: Khối lượng vận tải hành khách công cộng quý I ước đạt 140,3 triệu lượt hành khách, tăng 19% so với cùng kỳ 2024, đạt 24,5% so với kế hoạch năm 2025 (571,773 triệu lượt hành khách). Trong đó, khối lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ước đạt 22,9 triệu lượt hành khách, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2024; tổng sản lượng hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ước đạt 11.040.700 lượt hành khách với 68.580 lượt cất hạ cánh (tăng 4% về lượt hành khách so với cùng kỳ năm 2024). Khối lượng vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên ước đạt 5,3 triệu lượt hành khách, đạt 38% so với kế hoạch năm 2025 (14,2 triệu lượt hành khách).
Hoạt động ngân hàng: Tổng huy động vốn ước đến ngày 31/3/2025 ước đạt 4.044.500 tỷ đồng, tăng 13,98% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động bằng VND chiếm 90,5%, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 9,5%.
Tổng dư nợ tín dụng ước đến ngày 31/3/2025 ước đạt 3.975.800 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ bằng VND chiếm 96%, dư nợ bằng ngoại tệ chiếm 4,0%. Dư nợ ngắn hạn đạt 1.871.800 tỷ đồng (tỷ trọng 47,1%), dư nợ trung, dài hạn đạt 2.104.000 tỷ đồng (tỷ trọng 52,9%).
3. Lĩnh vực công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Quý I năm 2025 ước tăng 6,8% so cùng kỳ; sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp Thành phố. Hầu hết doanh nghiệp các ngành công nghiệp trọng yếu đã có đơn hàng đến quý II năm 2025.
Trong đó: ngành hóa dược - cao su - nhựa duy trì mức tăng cao từ năm 2024, IIP ước tăng 15,02%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống IIP ước tăng 1,2%; ngành sản xuất hàng điện tử: IIP ước tăng 15,8%; ngành cơ khí IIP ước tăng 3,6%.
4. Lĩnh vực nông nghiệp:
Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 5.256,4 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Trong đó, trồng trọt đạt 1.129,8 tỷ đồng (tăng 1,2% so với cùng kỳ), chăn nuôi đạt 1.854,2 tỷ đồng (giảm 3,5% so với cùng kỳ), thủy sản đạt 1.729,3 tỷ đồng (tăng 4,4% so với cùng kỳ), lâm nghiệp đạt 62,5 tỷ đồng (tăng 3,6% so cùng kỳ), dịch vụ nông nghiệp đạt 480,5 tỷ đồng (tăng 10,1% so cùng kỳ).
5. Công tác xúc tiến thương mại và đầu tư:
Đón tiếp và làm việc với 15 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, trao đổi về các hoạt động về xúc tiến thương mại và đầu tư; tổ chức 24 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ .
6. Tình hình thực hiện vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp và đầu tư trực tiếp của nước ngoài:
Tình hình thực hiện vốn đầu tư công: Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 67.395,86 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 3.237,492 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 64.158,368 tỷ đồng. Riêng đối với dự phòng ngân sách địa phương là 16.753,192 tỷ đồng, UBND Thành phố đã chỉ đạo các chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để khẩn trương hoàn tất thủ tục quyết định đầu tư các dự án được dự kiến khởi công mới trong năm 2025 để đảm bảo điều kiện phân bổ vốn thực hiện năm 2025 theo quy định.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Khu vực 2, tính đến ngày 28/3/2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Thành phố đã giải ngân là hơn 3.797 tỷ đồng (đạt 5,4% kế hoạch).
Thành lập doanh nghiệp: Số doanh nghiệp thành lập mới là 6.632 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới là 42.014 tỷ đồng, giảm 39,7% về số lượng, giảm 55,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; vốn đăng ký bổ sung là 109.093 tỷ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung trong 3 tháng đầu năm 2025 là 151.107 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ.
Đầu tư nước ngoài: Trong 3 tháng đầu năm 2025, Thành phố thu hút được khoảng 567,21 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 267 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 118,13 triệu USD, tăng 8,1% số dự án cấp mới và tăng 9,5% vốn đầu tư so với cùng kỳ. Thành phố cũng chấp thuận cho 435 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 298,46 triệu USD, giảm 0,9% về số trường hợp và giảm 1,4% về vốn so với cùng kỳ.
7. Thu - chi ngân sách:
Tổng thu ngân sách nhà nước quý I ước đạt 151.098 tỷ đồng, đạt 29,05% dự toán, tăng 7,72% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 123.368,7 tỷ đồng, đạt 31,69% dự toán, tăng 9,01 % so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 27.728,3 tỷ đồng, đạt 21,33% dự toán, tăng 2,33% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 15.734 tỷ đồng, đạt 9,11% dự toán, tăng 13,97% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 3.657 tỷ đồng, đạt 4,5% dự toán, bằng 78,456% so cùng kỳ; chi thường xuyên 11.893 tỷ đồng, đạt 14,71% dự toán, tăng 32,58% so cùng kỳ.
8. Lĩnh vực đô thị:
Quy hoạch xây dựng: Thành phố phối hợp với đơn vị tư vấn bổ sung, hoàn thiện các nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo yêu cầu tại của Bộ Xây dựng. Thành lập Tổ Công tác rà soát, phân nhóm xử lý các khu vực, dự án có vướng mắc trên địa bàn Thành phố phục vụ công tác lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố. Tổ chức công bố Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.Hồ Chí Minh đến năm 2040.
Công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được chú trọng thực hiện. Phê duyệt kết quả “Thi tuyển quốc tế Ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, TP.Hồ Chí Minh''”; phê duyệt Kế hoạch và kinh phí tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc.
Kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động xây dựng: Thành phố đã thực hiện kiểm tra 12.128 lượt. Qua kiểm tra, phát hiện 59 trường hợp công trình vi phạm trật tự xây dựng, tăng là 20,4% so với cùng kỳ, cụ thể: sai phép: 21/59 trường hợp (chiếm tỉ lệ 35,6% tổng số vi phạm), tăng 61,5%.so với cùng kỳ; không phép: 23/59 trường hợp (chiếm tỉ lệ 39% tổng số vi phạm), giảm 17,9%; vi phạm khác 15/59 trường hợp (chiếm tỉ lệ 25,4% tổng số vi phạm), tăng 87,5%, chủ yếu là các công trình không che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng.
Cấp giấy phép xây dựng: Thành phố đã cấp 4.990 Giấy phép xây dựng (giảm 3% so với cùng kỳ), với tổng diện tích sàn xây dựng là 1.240.492,61m2; cấp 138 Giấy chứng nhận lần đầu (31 Giấy chứng nhận cho tổ chức và 107 Giấy chứng nhận cho cá nhân). Đăng ký biến động 92.533 hồ sơ cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thành phố (đối với tổ chức là 1.176 hồ sơ, đối với cá nhân là 91.357 hồ sơ). Công tác cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án đạt 7.694 căn, tăng 5.799 căn so với cùng kỳ năm 2024 (1.895 căn).
Công tác bảo vệ môi trường: Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tiếp tục được duy trì tốt. Thành phố tiếp tục triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030, kiểm soát ô nhiễm tại các khu công nghiệp, kênh rạch giáp ranh với Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, và tăng cường xử lý vi phạm về tiếng ồn. Công tác thu phí bảo vệ môi trường tiếp tục được triển khai, với 7,37 tỷ đồng thu từ nước thải công nghiệp. Quỹ Bảo vệ môi trường đã giải ngân 5,58 tỷ đồng hỗ trợ 09 dự án chuyển đổi phương tiện thu gom rác. Tổng lượng rác thải sinh hoạt thu gom trong quý đạt 881.014 tấn (trung bình 9.789 tấn/ngày).
9. Lĩnh vực y tế - công tác phòng chống dịch và bệnh truyền nhiễm
Dịch bệnh trên địa bàn Thành phố được kiểm soát tốt, không để bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. Ngành y tế tiếp tục triển khai các giải pháp để chủ động phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Sởi. Đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm mùa.
Số ca COVID-19 cộng dồn trong 3 tháng là 7 ca, giảm 255 ca so với cùng kỳ năm trước; số ca Sốt xuất huyết cộng dồn là 4.661 ca, tăng 126,6% so với cùng kỳ năm trước (4.661 ca/2.057 ca); số ca Tay chân miệng cộng dồn từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến ngày 15 tháng 3 năm 2025 là 1.440 ca, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước (1.440 ca/1.485 ca).
Số ca dịch Sởi là 3.487 ca, ghi nhận 01 trường hợp tử vong liên quan đến Sởi. Chưa ghi nhận ca Mpox.
Thành phố tiếp tục triển khai tiêm chủng các vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Năng lực hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và nâng cao. Các hoạt động y tế cộng đồng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân được đầu tư nhân rộng.
10. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
Lĩnh vực văn hóa: Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn Thành phố được tổ chức với nhiều sự kiện đón chào năm mới 2025, chuỗi sự kiện – hoạt động Mừng Xuân Àt Tỵ - Mừng Đảng quang vinh, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025). Đặc biệt là các hoạt động phục vụ Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã Thành phố quan tâm, tập trung đầu tư và phối hợp thực hiện: xây dựng kịch bản điều hành chương trình Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành; xây dựng chương trình nghệ thuật chào mừng; thiết kế mô hình xe hoa; bắn pháo hoa; hoàn thiện Đề án tổng thể các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt... Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tổ chức Lễ hội, Sự kiện Văn hóa và Thể thao tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2020 - 2030”…
Hoạt động thể dục thể thao: Công tác quản lý, phát triển hoạt động thể dục thể thao được quan tâm chú trọng, phát huy hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, bộ môn thể thao phát huy tiềm năng và thế mạnh, đáp ứng yêu cầu tập luyện, thi đấu. Các hoạt động thể dục, thể thao nhân kỷ niệm Ngày Thể thao Việt Nam 27/3 và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2025.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nội dung thực hiện nhiệm vụ học kỳ II năm học 2024 - 2025; tổ chức các kỳ thi, cuộc thi theo kế hoạch năm học: Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố năm học 2024 - 2025, Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố năm học 2024 - 2025 đối với Giáo dục Thường xuyên. Tập trung công tác chuẩn bị cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2024 - 2025 do TP.Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức.
Tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 - 2030” năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; tổ chức Lễ tổng kết Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024; Hội thảo Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp trung học phổ thông theo chương trình GDPT 2018; Hội nghị Sơ kết triển khai thực hiện Lớp học số.
Giải quyết việc làm: Thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025 và Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 31 -CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới; Nghiên cứu tổ chức thực hiện các giải pháp từ đề tài khoa học “Lao động di cư trong nước đến Thành phố giai đoạn 2019 - 2022”…
Công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội: Thành phố đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ quà tặng và chính sách điều dưỡng, tham quan, về nguồn nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động về nguồn cho người có công tiêu biểu với cách mạng và Kế hoạch tổ chức Đoàn đại biểu viếng Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam và 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (01 tháng 5).
Thành phố hiện còn 16.264 hộ nghèo, cận nghèo với 64.287 nhân khẩu, chiếm 0,61% tổng số hộ dân (trong đó hộ nghèo: 1.055 hộ, 4.172 nhân khẩu; hộ cận nghèo: 15.209 hộ, 60.115 nhân khẩu). Thành phố tổ chức phúc tra và công nhận 22/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đạt mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ như cấp 59.721 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo với tổng kinh phí 75,5 tỷ đồng.
Về tín dụng ưu đãi, tổng nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo đạt 2.421 tỷ đồng, tổng dư nợ 1.872 tỷ đồng; quỹ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi đạt 323 tỷ đồng; quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn Thành phố đạt hơn 9.664 tỷ đồng, đã giải ngân 584,4 tỷ đồng cho 7.727 lượt hộ vay. Xây dựng nghị quyết cho vay đối với học sinh/sinh viên nghèo và công nhận thành phố Thủ Đức hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo.
11. Công tác đối ngoại
Thành phố đã đã đón 10 đoàn cấp cao nước ngoài, nổi bật là đoàn Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Bí thư - Tỉnh trưởng Champasak, Bộ trưởng phụ trách Việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan, Thị trưởng Fukushima, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Lào, Thủ tướng New Zealand, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Thụy Điển, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản,... Lãnh đạo Thành phố có 21 cuộc tiếp khách đối ngoại với các nội dung đa dạng, tập trung vào nội dung xúc tiến hợp tác thương mại - đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu,phát triển bền vững, xây dựng đô thị thông minh, triển khai các dự án trọng điểm của Thành phố.
12. Công tác quốc phòng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Công tác quốc phòng Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, kế hoạch của Quân khu, Thành ủy về công tác sẵn sàng chiến đấu; phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn các lễ, hội và các đoàn khách đến thăm làm việc trên địa bàn. Duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng chiến đấu…
Tình hình an ninh chính trị, phạm pháp hình sự, vi phạm kinh tế, ma túy, tệ nạn mại dâm; tình hình trật tự an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn:
Công an Thành phố đã thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, tập trung vào điểm, tụ điểm phức tạp và băng nhóm tội phạm, kịp thời chỉ đạo giải quyết vấn đề phức tạp về trật tự an toàn xã hội; và đạt một số kết quả:
Về đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội: Công an Thành phố tiếp tục tăng cường lực lượng đấu tranh, răn đe, triệt phá, các loại tội phạm; đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm đường phố, tội phạm liên quan tín dụng đen...; các vụ trọng án, được dư luận quan tâm đều được tập trung khám phá bắt giữ nhanh đối tượng. Ghi nhận xảy ra 899 vụ, làm chết 13 người, bị thương 63 người, tài sản thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng. Đã điều tra, khám phá 749/899 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt 83,31%), khởi tố 1.483 bị can.
Vi phạm kinh tế: Phát hiện, đấu tranh 433 vụ, 465 đối tượng (345 cá nhân, 120 tổ chức) có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; 408 vụ, 433 đối tượng (199 cá nhân, 234 tổ chức) có dấu hiệu vi phạm về môi trường, an toàn thực phẩm, trị giá hàng hóa thu giữ ước tính 158,1 tỷ đồng. Kết quả: Đã khởi tố 154 vụ, 275 bị can; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế 318 vụ, 231 cá nhân, 107 tổ chức, phạt tiền 6.748.000.000 đồng; trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm 245 vụ, 137 cá nhân, 109 tổ chức, phạt tiền 5.463.000.000 đồng.
Hoạt động phòng, chống tội phạm ma túy: Đã khám phá 935 vụ/2.841 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. Thu giữ: Trên 386kg ma túy các loại; 6,584kg chất chưa xác định; 03 súng; 59 viên đạn; 03 ô tô; 280 xe máy; 1429 điện thoại di động; 55 Cân điện tử; hơn 882 triệu đồng; 2200 USD, 3300 Đô la Úc và một số công cụ, phương tiện phạm tội khác có liên quan. Kết quả xử lý: Khởi tố: 850 vụ 2.176 bị can; Xử lý hành chính: 43 vụ 548 đối tượng. Đang tiếp tục điều tra 42 vụ 117 đối tượng.
Về tình hình cháy nổ: Ghi nhận xảy ra 79 vụ cháy, thiệt hại chết 05 người, bị thương 11 người, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 737.000.000 đồng.
Tình hình trật tự an toàn giao thông: Đã phát hiện và xử lý 152.391 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, thực hiện quyết định 105.141 trường hợp, thành tiền hơn 230,9 tỷ đồng; trong đó xử lý 18.278 trường hợp vi phạm tốc độ; 40.319 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy (505 trường hợp sử dụng ma túy); 224 trường hợp vi phạm quá tải, quá khổ giới hạn, cơi nới thành thùng xe.
IV. Đánh giá chung
Thành phố chủ động tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ngay từ những ngày đầu năm.
Công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Trung ương; hoàn thành khối lượng lớn công việc, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Hoàn thành báo cáo Đoàn Kiểm tra 1908 của Bộ Chính trị. Kịp thời ban hành Kế hoạch về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Các dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, công trình giao thông kết nối tiếp tục đẩy nhanh tiến độ; các công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng niền Nam, thống nhất đất nước được tập trung nguồn lực thực hiện; nhiều công trình, dự án, khu đất gặp vướng mắc, khó khăn được quan tâm giải quyết, tháo gỡ.
Kinh tế - xã hội Thành phố quý I năm 2025 đạt nhiều kết quả tích cực; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I ước tăng trên 7,51% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay; sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp Thành phố. Hầu hết doanh nghiệp các ngành công nghiệp trọng yếu đã có đơn hàng đến giữa năm 2025. Tình hình thị trường trong kỳ ổn định. Các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng tối đa lợi thế từ các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và số lượng khách.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân được các ngành, các cấp chú trọng quan tâm. Công tác chăm sóc sức khỏe và y tế, giáo dục được chú trọng triển khai. Các hoạt động xây dựng kinh tế số, xã hội số tiếp tục được củng cố và tăng cường. Hoạt động đối ngoại được tổ chức hiệu quả với các hoạt động gặp gỡ, tiếp đón quốc tế. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm, giảm được thiệt hại do cháy nổ, tai nạn giao thông.
Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu Thành phố tăng 7 bậc so với năm 2024, đây cũng là thứ hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu được vào danh sách xếp hạng năm 2022 (Thành phố đứng thứ 98 trong 119 thành phố xếp hạng theo Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu ấn bản lần thứ 37 (GFCI 37) vừa được phát hành).
IV. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II
1. Nhiệm vụ, giải pháp chung
- Tập trung các công tác chuẩn bị, tổ chức các hoạt động nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
- Triển khai Kế hoạch số 2008/KH-UBND về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; tổ chức Hội nghị sơ kết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025. Triển khai Đề án xây dựng nền công vụ TP.Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030 (thực hiện trong năm 2025).
- Thực hiện Chương trình cải cách hành chính và giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố; tổ chức Hội thi sáng tạo cải cách hành chính. Trình Thành ủy ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 41- CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.
- Đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, chú trọng kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn Thành phố năm 2025, với mục tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội phấn đấu trên 620 nghìn tỷ đồng.
- Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 theo Kế hoạch số 1451/KH-UBND; nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công quý I từ 10% trở lên, ít nhất 7,5%; lũy kế đến quý II từ 30%; đến quý III từ 70%; đến quý IV trên 95%.
- Khẩn trương hoàn tất công tác bàn giao mặt bằng; điều chỉnh quy hoạch liên quan làm cơ sở triển khai thực hiện dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo phương châm thi công “3 ca, 4 kíp”, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để bảo đảm lực lượng làm việc thường xuyên, liên tục nhằm rút ngắn thời gian thi công những vẫn phải bảo đảm chất lượng công trình. Đảm bảo tiến độ các công trình trọng điểm, công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Tiếp tục theo dõi sát tình hình thu - chi ngân sách, triển khai các giải pháp nhằm thu đúng - thu đủ, chống thất thu, nuôi dưỡng nguồn thu, hạn chế nợ thuế mới phát sinh, triển khai các giải pháp phòng - chống buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp...; kiểm soát chi theo đúng định mức và quy định.
- Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu.
- Triển khai Đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh”; Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố năm 2025 - Tết Bình Ngọ năm 2026; Kế hoạch thực hiện “Đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030” năm 2025.
- Tổ chức Lễ tôn vinh 50 doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của TP.Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
- Đẩy mạnh công tác xây dựng quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tiếp tục hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
- Tiếp tục theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện di dời nhà trên và ven kênh rạch giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn Thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội về Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; danh mục dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn Thành phố. Hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình theo tiến độ đã đề ra như: Vành đai 2, Vành đai 3, nút giao thông An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (quốc lộ 1), đường song hành cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2), Dư án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh - Giai đoạn 2, Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn Quận 8, Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua Sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn), Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường, các tuyến đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm, Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy,...
- Đẩy mạnh công tác truyền thông hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
- Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất giáo dục, đào tạo; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng suất lao động; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo: Phối hợp, rà soát mạng lưới trường học để có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi);
- Thúc đẩy chuyển đổi số; phát triển công nghệ và thông tin; Đề án xây dựng một số khu công nghệ thông tin tập trung. Ban hành các quy chế phục vụ triển khai chính quyền điện tử TP.Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng hoạt động thực thi công vụ trên môi trường số.
- Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hệ thống Chính quyền điện tử từ Thành phố đến phường xã, thị trấn. Tiếp tục triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố. Phát triển, cải tiến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố.
- Phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
- Đảm bảo an sinh xã hội; chăm sóc người có công.
2. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
Trong quý 2, Thành phố tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Báo cáo kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố; các văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp.
- Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh; Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công và số hóa dữ liệu liên quan đến tài sản công; Đề án khoán Quỹ lương…
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; Quyết định điều chỉnh Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố được ban hành theo Quyết định số 56/2021/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2021; Quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật các dự án đầu tư công độc lập vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc đường Vành đai 3.
- Xây dựng phần mềm quản lý sử dụng tạm thời lòng đường hè phố để triển khai áp dụng trên toàn địa bàn Thành phố.
- Đề án triển khai các nhiệm vụ phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đến năm 2030; Báo cáo kết quả tổng thể việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” năm 2025;
- Đề án xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố; Quyết định ban hành Chương trình hoặc Đề án Chuyển đổi số Thành phố giai đoạn 2025 - 2030; Đề án thí điểm cơ chế sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công - Saigon Govtech Challenge (Gov.Star)…
- Chương trình sáng tác Văn học nghệ thuật hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025);
- Quyết định phê duyệt Đề án tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; Đề án xây dựng Thành phố thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên của khu vực và thế giới.
- Đề án hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực y tế của TP.Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2035 và những năm tiếp theo.
- Quy định chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình từ nguồn vốn Hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn Thành phố.
- Kế hoạch triển khai công tác chuẩn bị đầu tư thực hiện 7 tuyến đường sắt đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội; Giải quyết các vướng mắc về liên quan đến lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh.
- Đề án thí điểm chuyển đổi 05 khu chế xuất, khu công nghiệp (Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu).
- Đề án xây dựng các chính sách đột phá nhằm xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu.
V. Một số nội dung Hội nghị tập trung thảo luận
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành trên địa bàn Thành phố thảo luận về một số nội dung:
- Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: đảm bảo thu - chi ngân sách có hiệu quả và đạt mục tiêu tăng trưởng từ 10% của năm 2025; giải pháp cụ thể thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ giải ngân đạt trên 95%; tình trạng và tiến độ giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công, phương án đẩy nhanh các dự án mới nhằm khởi thông nguồn lực để phát triển; kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư; nâng cao môi trường đầu tư; tình hình triển khai Đề án về Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh.
- Giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.
- Kế hoạch triển khai các chiến lược đột phá “1 trung tâm - 4 cao - 1 chiến lược”; kịch bản tăng trưởng kinh tế Thành phố Quý II năm 2025.
- Tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và khu vực.
- Tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm; tình hình cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn Thành phố từ đầu năm 2025 đến nay; công tác chuẩn bị đấu giá các khu đất khu vực Thủ Thiêm.
- Công tác tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy và gắn việc bố trí, sắp xếp nhân sự với tinh giản biên chế theo các Kết luận số 127-KL/TW, Kết luận số 128-KL/TW của Trung ương.
- Kết quả bước đầu thực hiện Kế hoạch 1413/KH-UBND triển khai Chương trình hành động số 63-CTrHĐ/TU ngày 27/02/2025 của Thành ủy TP.Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và phấn đấu trở thành mô hình kiểu mẫu cho cả nước.
- Kế hoạch xúc tiến du lịch và thu hút khách du lịch Quý II năm 2025.
- Tiến độ và kết quả các chương trình, kế hoạch, chuỗi hoạt động tổ chức chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Các giải pháp mới, có tính đột phá và có tác động trực tiếp để thúc đẩy kế hoạch phát triển 2 con số của Thành phố trong năm 2025.
Nguồn dẫn: VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH