Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM mới đây, về thành lập doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản, 10 tháng đầu năm 2023 có 1.252 doanh nghiệp được cấp phép thành lập giảm 43,7% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 46.792 tỷ đồng giảm 58,3% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm là 72,2 triệu USD giảm 66,3% so với cùng kỳ.

Về nguồn cung nhà ở, 11 tháng đầu năm 2023 đã có 16 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 16.063 căn được đưa ra thị trường (gồm 14.810 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng), trong đó phân khúc cao cấp có 11.012 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Như vậy, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 11 tháng đầu năm 2023 tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

Qua các số liệu nêu trên cho thấy, hoạt động kinh doanh bất động sản tại Thành phố đến nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu so với đầu năm, nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.

Về việc tham mưu, giải pháp để thị trường nhà ở hướng đến nhu cầu ở thật, thúc đẩy đưa giá nhà phù hợp túi tiền người mua:

Từ đầu năm đến nay Sở Xây dựng đã có các báo cáo tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố về tháo gỡ vướng mắc khó khăn của thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng, đặc biệt là nhà ở xã hội, cụ thể:

- Ngày 06/4/2023, Sở Xây dựng đã có Công văn số 4799/SXD-PTN&TTBĐS báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao chỉ tiêu cho Thành phố đến năm 2030 hoàn thành 69.700 căn. Theo đó, đề xuất một số giải pháp như rút ngắn thủ tục hành chính về đầu tư, giao thuê đất; có chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ thêm để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (bổ sung vảo chương trình kích cầu của Thành phố); rà soát và yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại, nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, tương đương nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở.

- Sở Xây dựng đã tham mưu để ngày 17/8/2023 Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Công văn số 3971/UBND-ĐT về triển khai Nghị quyết của Chính phủ, các công văn, công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững. Trong đó, rà soát và thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà lưu trú cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp; triển khai thực hiện các quy định pháp luật theo trình tự thủ tục rút gọn; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất thực hiện; quy hoạch bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ tiếp cận Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng (đến nay đã có 06 dự án được đề xuất, trong đó có 01 doanh nghiệp đã được chấp thuận cho vay).

- Sở Xây dựng đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị Tổ Công tác Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho thị trường nhà ở, trong đó có nội dung liên quan nhà ở xã hội. Hiện nay, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các sở ngành, quận huyện tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn của các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; theo đó, phân loại dự án, phân nhóm vướng mắc (đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, nghĩa vụ tài chính,...), thẩm quyền xử lý (sở ngành, quận huyện, Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ,...), để có giải pháp tháo gỡ phù hợp cho từng trường hợp và tổng thể; đồng thời, thường xuyên trao đổi, làm việc với doanh nghiệp có dự án vướng mắc để hướng dẫn thực hiện.